Tin tức

Tin tức

TIN NHANH TÀI CHÍNH 21/10/2022

22/10/2022

Quốc tế

 

Chứng khoán Mỹ: Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (20/10) dưới sức ép từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao. Giá dầu thô có lúc tăng mạnh nhưng chốt phiên trong trạng thái gần như đi ngang do tác động của những yếu tố trái chiều. Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 90,22 điểm, tương đương giảm 0,3%, còn 30.333,59 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,8%, còn 3.665,78 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,6%, còn 10.614,84 điểm. Trước phiên giảm này, chứng khoán Mỹ đã tụt điểm trong phiên ngày thứ Tư, sau hai phiên tăng mạnh liên tiếp vào đầu tuần. Cả ba chỉ số cùng “xanh” ở đầu phiên giao dịch, với Dow Jones có lúc tăng gần 400 điểm. Tuy nhiên, đà tăng của lợi suất đã “dội một gáo nước lạnh” vào thị trường. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc lên tới 4,239%, mức cao nhất kể từ năm 2008.

Chỉ số USD: Đầu phiên giao dịch ngày 21/10 (theo giờ Việt Nam), trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm nhẹ 0,16%, xuống mốc 112,82. Đồng USD đã giảm nhẹ trong phiên giao dịch vừa qua so với các loại tiền tệ chính, trong khi đồng bảng Anh giảm sau khi Liz Truss cho biết bà sẽ từ chức Thủ tướng Anh.

Giá dầu thô thế giới: Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 21/10, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 đứng ở mức 84,95 USD/thùng, tăng 0,43 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2022 đứng ở mức 92,60 USD/thùng, tăng 0,19 USD/thùng trong phiên. Giá dầu hôm nay duy trì đà tăng nhẹ nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc tăng trong bối cảnh nước này nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Giá vàng thế giới: Giá vàng thế giới rạng sáng ngày 21/10 (theo giờ Việt Nam) tiếp đà giảm với giá vàng giao ngay giảm 2,6 USD xuống còn 1.627,8 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.632,3 USD/ounce, giảm 1,9 USD so với rạng sáng ngày trước đó.

 

Trong nước

 

Chứng khoán Việt Nam: Chố phiên ngày 21/10, chỉ số VN-Index giảm -38,63 điểm (-3,65%) xuống 1.019,82 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường chỉ có 31 mã tăng, nhưng có tới 453 mã giảm và 32 mã đứng giá. Chỉ số VN30 giảm mạnh hơn -42,69 điểm (-4,05%) còn 1.010,57 điểm. Ở rổ VN30 cũng chỉ có 1 mã tăng, trong khi có tới 28 mã giảm. Nhóm midcap và smallcap cũng giảm lần lượt -4,49% và -4,73%.Trên sàn Hà Nội, mọi thứ cũng không khả dĩ hơn, khi các chỉ số cũng bao trùm bởi sắc đỏ. Chỉ số HNX-Index giảm -8,47 điểm, về còn 217,41 điểm; UPCoM-Index giảm -2,21 điểm, còn 78,57 điểm. Tổng thanh khoản của thị trường hôm nay tăng tốt hơn so với hôm qua do áp lực bán ra nhanh và mạnh. Trong đó, thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE đạt 11.597 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 7.170 tỷ đồng ở phiên hôm qua và với mức bình quân 9.400 tỷ đồng của tuần trước. Tổng cộng trên HOSE có 642 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 507 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó. Khối ngoại bán ròng 411,8 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán tập trung ở các cổ phiếu như: HPG, VHM, VND, STB, SSI, … Ở chiều ngược lại, VNM, MSN, VCB, FRT, DCM, … là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên này.

Tỷ giá USD: Tỷ giá trung tâm hôm nay (21/10) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.688 VND/USD, tăng thêm 6 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.504 - 24.872 VND/USD. Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được duy trì ở mức 24.380 VND/USD. Trên thị trường "chợ đen", khảo sát lúc 9h30 sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 25.020 - 25.120 VND/USD, giá mua tăng 120 đồng còn giá bán tăng thêm 20 đồng so với mức ghi nhận giờ này hôm qua.

Giá vàng trong nước: Chiều ngày 21/10, giá vàng niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn chiều mua vào là 66,3 triệu đồng/lượng, bán ra là 67,3 triệu đồng/lượng, giá mua và giá bán tăng nhẹ so với cuối giờ chiều hôm qua.

 

Doanh nghiệp

 

BSR: Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cho biết việc tăng năng suất nhà máy lên 109% bắt đầu từ 19/10. Công suất này vượt 6% so với kế hoạch hoạch vận hành trung bình ở 103%. Trong khi đó, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, sau thời điểm phải giảm công suất hồi đầu năm, từ tháng 4 đã vận hành ổn định, đạt 100% công suất. Ngày 13/10, trong bối cảnh thị trường trong nước khan hiếm xăng dầu, Bộ Công Thương đã yêu cầu Công ty TNHH Lọc dầu Nghi Sơn và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy, tăng công suất tối đa để cung ứng trong nước. BSR cho biết đã chủ động nhập dầu thô để đảm bảo có nguyên liệu duy trì nhà máy ở công suất cao đồng thời đẩy nhanh công tác bán hàng, xuất hàng bằng việc cấp tối đa theo hợp đồng, giao sớm hàng để hỗ trợ các đầu mối xăng dầu... Trong 9 tháng đầu năm, BSR đã xuất bán hơn 5,8 triệu m3 xăng dầu.

Ngân hàng: Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2022 đạt gần 11% - mức cao nhất nhiều năm, trong đó, vốn "chảy" vào bất động sản tăng gần 15,7% so với cùng kỳ. Theo đó, tới cuối tháng 9, tín dụng đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng xấp xỉ 11% so với cuối năm ngoái - mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm, phù hợp diễn biến phục hồi kinh tế. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh còn lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Chẳng hạn, tín dụng vào lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản tăng gần 7,6%; công nghiệp xây dựng xấp xỉ 7,4%; còn thương mại dịch vụ tăng 11,34%. Một số lĩnh vực khác như nông nghiệp, nông thôn có mức tín dụng tăng gần 9,3%; xuất khẩu tăng gần 2,7%; công nghiệp hỗ trợ 11,6%...Đến cuối tháng 8, tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng gần 15,7% so với cuối năm 2021, và tăng thêm khoảng 3,7% so với 3 tháng trước đó. Với tỷ lệ này, vốn tín dụng "chảy" vào bất động sản chiếm hơn 20,9% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,26% so với hồi tháng 5. Tín dụng lĩnh vực bất động sản tập trung chủ yếu vào mục đích vay tự sử dụng, tăng hơn 20,1%; kinh doanh bất động sản tăng 7,35%.Trong khi vốn vào bất động sản tăng nhẹ, vốn rót vào đầu tư, kinh doanh chứng khoản giảm trên 35%, chiếm 0,32% tổng dư nợ tín dụng hệ thống ngân hàng. Tương tự, tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông cũng giảm, đến cuối tháng 6 giảm 1,72% so với cuối 2021, và chiếm 0,88% tổng dư nợ tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cho biết đã áp dụng các biện pháp giám sát chặt tốc độ tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ... cũng như thực hiện các giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động.

ĐĂNG KÝ EMAIL ĐỂ NHẬN THÔNG TIN KHUYẾN MÃI

go top
Button messenger
Chat ngay