Quốc tế
Chứng khoán Mỹ: Chứng khoán Mỹ có một pha đảo chiều lịch sử trong phiên giao dịch 13/10, khi nhà đầu tư đón nhận số liệu giá tiêu dùng tháng 9 cao hơn dự báo. Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc mất tới 550 điểm trong phiên nhưng cũng có lúc vọt lên 958 điểm, tương ứng với biên độ dao động khoảng 1.500 điểm trong phiên 13/10. Đóng cửa, chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này tăng 828 điểm, tương ứng 2,83%, và dừng ở 30.039 điểm. Tương tự, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 2,6% và 2,23%, chấm dứt chuỗi giảm điểm 6 phiên liên tục trước đó. Cổ phiếu năng lượng và ngân hàng là hai nhóm dẫn đầu sự hồi phục trong phiên này. Cổ phiếu hãng dầu khí Chevron tăng 4,85% do giá dầu tăng khá mạnh. Hai cổ phiếu ngân hàng lớn Goldman Sachs và JPMorgan Chase tăng tương ứng 3,98% và 5,56%. Sự đảo chiều chóng mặt từ giảm sang tăng của những cổ phiếu công nghệ lớn như Apple và Microsoft, cùng sự hồi phục của loạt cổ phiếu con chip gồm Nvidia và Qualcomm, cũng góp phần quan trọng đưa thị trường chuyển từ “đỏ” thành “xanh”.
Chỉ số USD: Đầu phiên giao dịch ngày 14/10 (theo giờ Việt Nam), trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,87%, xuống mốc 112,46. Đồng USD trượt giá trong phiên giao dịch vừa qua, sau báo cáo lạm phát “nóng” hơn dự kiến của Mỹ.
Giá dầu thô thế giới: Ngày 14/10, lúc 7 giờ 20 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm nhẹ xuống 88,89 USD/thùng, dầu thô Brent giao tháng 12 cũng giảm xuống 94,43 USD/thùng. So cùng thời điểm này ngày hôm trước, giá dầu thô hôm nay vẫn cao hơn. Chốt phiên giao dịch khuya 13.10, giá dầu thô Brent tăng 2,29% lên 94,57 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng 2,1% lên 89,11 USD/thùng.
Giá vàng thế giới: Giá vàng thế giới rạng sáng nay (14/10) giảm nhẹ với giá vàng giao ngay giảm 8,6 USD xuống còn 1.665,3 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.671,6 USD/ounce, giảm 9,3 USD/ounce so với rạng sáng ngày trước đó. Mặc dù giảm nhưng kim loại quý đã có được sự phục hồi ngoạn mục từ mức lỗ trước đó.
Trong nước
Chứng khoán Việt Nam: Kết thúc phiên giao dịch 14/10, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.061,85 điểm, tăng 10,86 điểm (+1,03%) so với phiên trước; HNX đóng cửa ở 227,89 điểm tăng 3,15 điểm và Upcom cũng lên 80,16 điểm tăng 1,19 điểm so với phiên trước. Thanh khoản tiếp tục cải thiện và tăng khá mạnh so với 2 phiên trước khi đạt trên 14.400 tỉ đồng. Sắc xanh lan tỏa khắp thị trường với nhiều mã tăng điểm mạnh và 19 mã tím trên sàn HoSE. Đây là phiên phục hồi thứ 3 của thị trường sau khi chọc thủng mốc 1.000 điểm hôm 11-10, đi kèm thanh khoản tiếp tục cải thiện phản ánh nhà đầu tư cá nhân đã bớt lo lắng và bắt đầu tham gia trở lại. Thống kê về từng ngành nghề cho thấy nhóm cổ phiếu hôm nay của các ngành vật liệu cơ bản như hóa chất tăng 2,88%; chứng khoán tăng 2,67%; ngân hàng tăng 1,89%; bảo hiểm tăng 1,88%; bán lẻ chung tăng tới 4,19%; công nghiệp tăng 1,59%; dầu khí 1,77%...Tốp cổ phiếu tác động mạnh chỉ số: VCB, GAS, MWG, ACB… Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 519 tỉ đồng tập trung các mã FRT, SSI, VNM, DPM, HSG... tiếp tục là động lực chính để thị trường hồi phục.
Tỷ giá USD: Ngày 14/10, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm 44 đồng/USD so với ngày trước đó, lên mức cao 23.541 đồng. Các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng giá USD lên thêm 30 đồng. Eximbank mua đô la Mỹ với giá 23.970 - 23.990 đồng, bán ra 24.230 đồng. Giá mua USD tại Vietcombank ở mức 23.890 - 23.920 đồng, bán ra 24.200 đồng.
Giá vàng trong nước: Chiều ngày 14/10, giá vàng niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn chiều mua vào là 66,2 triệu đồng/lượng, bán ra là 67,2 triệu đồng/lượng, giá mua và giá bán tăng nhẹ so với cuối giờ chiều hôm qua.
Doanh nghiệp
Vinachem: Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) lãi hơn 5.400 tỷ đồng 9 tháng đầu năm, gấp gần 3 lần kế hoạch cả năm trong bối cảnh giá phân bón vẫn neo cao. Trong quý III, Giá trị sản xuất theo thực tế ước đạt gần 15.580 tỷ đồng, chỉ cách kế hoạch cả năm khoảng 7% và tăng 32% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu cộng gộp đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ 2021; Lợi nhuận toàn tập đoàn hơn 1.180 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay 1.810 tỷ đồng, bằng 85% so với thực hiện năm 2021.
SHB: Ngày 10/10/2022, NHNN đã có văn bản chấp thuận việc Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15%; chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP). Sau khi thực hiện 3 phương án trên, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng từ 26.674 tỷ đồng lên mức tối đa 36.459 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của SHB đạt hơn 528 nghìn tỷ đồng. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt gần 400 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 380 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 9.035 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 78% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đã đề ra.