Quốc tế
Chứng khoán Mỹ: Chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên 14/10, kết thúc một tuần đầy biến động khi thị trường phần lớn vẫn chịu tác động từ lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng. Phiên này trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,3% xuống 29.634,83 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 2,4% xuống 3.583,07 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 3,1% xuống 10.321,39 điểm. Cổ phiếu của JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo đều tăng và nâng đỡ các chỉ số hồi đầu phiên, sau khi báo cáo lợi nhuận vượt quá kỳ vọng của các nhà phân tích ngay cả khi họ nhấn mạnh rủi ro kinh tế ngày một lớn. Tuy nhiên, những lo ngại về lạm phát vẫn đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư, kéo chứng khoán Mỹ đi xuống sau đó.
Chỉ số USD: 6h50 ngày 17/10 (theo giờ Việt Nam), chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động của USD với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) ở mức 113,30 điểm. USD đã chốt phiên tuần ở mức tăng mạnh 0,94%. Đồng thời, trong tuần qua, USD tiếp tục duy trì đà tăng, với mức tăng nhẹ 0,45%, đạt mốc 113,30 điểm.
Giá dầu thô thế giới: Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 17/10 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 đứng ở mức 85,14 USD/thùng, tăng 0,49 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2022 đứng ở mức 92,24 USD/thùng, tăng 0,61 USD/thùng trong phiên. Giá dầu hôm nay có xu hướng đi lên trong bối cảnh thị trường lo ngại nguồn cung dầu thô bị thắt chặt hơn nữa khi các lệnh cấm vận của EU và G7 đối với dầu thô Nga sẽ có hiệu lực vào tháng 12 tới.
Giá vàng thế giới: Giá vàng thế giới rạng sáng ngày 17/10 (theo giờ Việt Nam) có xu hướng giảm sau khi đứng yên trong ngày nghỉ cuối tuần với giá vàng giao ngay giảm 1,3 USD xuống còn 1.644,1 USD/ounce. Thị trường vàng thế giới kết thúc tuần giảm gần 90 USD/ounce so với mức cao nhất trong tháng 10 khi các nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng về các đợt tăng lãi suất tích cực từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối năm.
Trong nước
Chứng khoán Việt Nam: Sau 3 phiên tăng liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu ngay khi mở cửa phiên giao dịch tuần mới (17/10). Dù đến phiên chiều, nhiều cổ phiếu hồi phục tích cực, nhưng do các cổ phiếu vốn hóa lớn hàng đầu thị trường giảm sâu khiến chỉ số VN-Index không đủ sức đảo đảo chiều tăng điểm. Chốt phiên giao dịch ngày 17/10, VN-Index giảm 10,27 điểm xuống 1.051,58 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 497,4 triệu đơn vị, tương ứng gần 9.550 tỷ đồng. Toàn sàn có 165 mã tăng giá, 291 mã giảm giá và 61 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,43 điểm xuống 226,46 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 48,8 triệu đơn vị, tương ứng hơn 949 tỷ đồng. Toàn sàn có 75 mã tăng giá, 90 mã giảm giá và 59 mã đứng giá. UPCOM-Index giảm 0,15 điểm xuống 80,01 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 26,9 tỷ đồng. Toàn sàn có 126 mã tăng giá, 115 mã giảm giá và 68 mã đứng giá. Cổ phiếu vốn hóa lớn là nguyên nhân hàng đầu kéo giảm chỉ số VN30 trong phiên hôm nay; trong đó đáng chú ý, cổ phiếu họ Vingroup giảm rất sâu. Cụ thể, VIC giảm tới 6,2%, VHM giảm 4,6%, VRE giảm 1,2%. Cùng đó, các cổ phiếu đầu ngành khác như KDH giảm 3,4%, PLX giảm 2,4%, SAB giảm 1,8%, MWG giảm 1,7%, NVL giảm 1,3%, HPG giảm 1%...Điểm tích cực là khối ngoại mua ròng trên toàn thị trường. Cụ thể, khối ngoại mua ròng 235,76 tỷ đồng trên HOSE, gần 59 tỷ đồng trên HNX và 5,55 tỷ đồng trên UPCOM.
Tỷ giá USD: Tỷ giá trung tâm hôm nay (17/10) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.586 VND/USD, tăng vọt 45 đồng so với mức niêm yết cuối tuần trước. Áp dụng biên độ mới là 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.407 - 24.765 VND/USD. Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được nâng lên 455 đồng, ở mức 24.380 VND/USD. Trên thị trường "chợ đen", khảo sát lúc 9h30 sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 24.420 - 24.520 VND/USD, giá mua tăng 170 đồng còn giá bán tăng 190 đồng so với mức ghi nhận giờ này cuối tuần trước.
Giá vàng trong nước: Chiều ngày 17/10, giá vàng niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn chiều mua vào là 66 triệu đồng/lượng, bán ra là 67 triệu đồng/lượng, giá mua và giá bán tăng nhẹ so với cuối giờ chiều hôm qua.
Doanh nghiệp
Vinatex: Tập đoàn Vinatex vừa có báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2022 với các chỉ số về sản xuất, kinh doanh vượt xa kế hoạch. Tính đến ngày 30/9, lợi nhuận hợp nhất trước thuế tại Vinatex đạt 1.186 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, tại ĐHCĐ tháng 5/2022, Tập đoàn này đã đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt 18.067 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 951 tỷ đồng. Như vậy, trải qua 3/4 chặng đường của năm 2022, Vinatex đã hoàn thành 124% kế hoạch về lợi nhuận của năm 2022. Với mức tăng trưởng về lợi nhuận và doanh thu hợp nhất vượt kế hoạch trong 9 tháng đầu năm, Vinatex đã thay đổi dự kiến doanh thu năm 2022 của Tập đoàn này tương ứng đạt 18.409 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 1.393 tỷ đồng, tăng 46,5% so với kế hoạch. Lãnh đạo Tập đoàn cũng lưu ý các doanh nghiệp căn cứ tình hình thị trường trong và ngoài nước để xúc tiến sớm các chương trình, kế hoạch kinh doanh, khách hàng trọng điểm của năm 2023. Dự kiến và có giải pháp phòng ngừa các tình huống tiêu cực của thị trường và các biến động khó dự báo của thị trường tài chính, lãi suất.
FPT: Tập đoàn FPT vừa trở thành cổ đông chiến lược của LTS, Inc., công ty tư vấn và cung cấp dịch vụ chuyển đổi số trong Top 20 tại Nhật Bản. Tỷ lệ sở hữu và quy mô khoản đầu tư không được FPT tiết lộ. Tuy nhiên, tập đoàn cho biết khoản đầu tư chiến lược này sẽ giúp FPT và LTS khai phá các cơ hội trong lĩnh vực tư vấn và dịch vụ công nghệ, với mục tiêu đạt được các hợp đồng trị giá hàng chục triệu USD tại thị trường Nhật Bản, cũng như các nước. Hai bên dự kiến tập trung vào hệ thống phần mềm quản lý tài nguyên ERP, phát triển công nghệ low-code cũng như các dịch vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, dựa trên các công nghệ AI, IoT, Big Data, RPA, Smart Factory... Khoản đầu tư vào LTS cũng là bước đi tiếp theo trong chiến lược mở rộng các dịch vụ tư vấn và chuyển đổi số của FPT cho đối tác toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản và Mỹ. Năm 2021, FPT đã đầu tư vào Intertec International - công ty công nghệ có hơn 20 năm kinh nghiệm với hai trung tâm dịch vụ ở Costa Rica và Colombia. Năm 2018, FPT mua lại 90% cổ phần của công ty tư vấn Intellinet Consulting tại Mỹ với giá trị khoản đầu tư 50 triệu USD. Năm 2014, FPT sở hữu công ty RWE IT Slovakia. Tại Nhật Bản, chi nhánh FPT được thành lập năm 2005, hiện có 2.000 nhân viên. FPT Nhật Bản đang hướng đến mục tiêu quy mô 4.000 nhân sự, Top 20 công ty dịch vụ công nghệ lớn nhất tại Nhật Bản vào năm 2025 và đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2027.