Quốc tế
Chứng khoán Mỹ: Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 20/9 giảm trên diện rộng khi làn sóng bán tháo quay lại và nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần đón một đợt nâng lãi suất mới từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào chiều 21/9. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 313 điểm, tương đương 1,01%, và kết phiên ở 30.706 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,13% còn gần 3.856 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sụt 0,95% còn 11.425 điểm. Sáng 20/9, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày. Trong nhiều tuần qua, các nhà đầu tư đã dự báo quan chức ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tuyên bố nâng lãi suất 75 điểm cơ bản (bps) vào chiều 21/9. Thị trường chứng khoán liên tục xuống dốc trong những tuần gần đây khi Chủ tịch Fed Jerome Powell và các lãnh đạo khác của Fed nhiều lần tái khẳng định quyết tâm thắt chặt tiền tệ cho đến khi lạm phát hạ nhiệt đáng kể, bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế.
Chỉ số USD: Đầu phiên giao dịch ngày 21/9 (theo giờ Việt Nam), trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,46%, đạt mốc 110,19. Đồng USD đã tăng gần mức cao nhất trong hai thập kỷ vào phiên giao dịch vừa qua, khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho một đợt tăng lãi suất mạnh khác từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau cuộc họp chính sách tháng này.
Giá dầu thô thế giới: Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 21/9/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 84,02 USD/thùng, tăng 0,08 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 20/9, giá dầu WTI giao tháng 11/2022 đã giảm tới 1,2 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 90,66 USD/thùng, tăng 0,04 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 1,31 USD so với cùng thời điểm ngày 20/9. Giá dầu ngày 21/9 có xu hướng giảm mạnh chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm mạnh trong bối cảnh rủi ro tăng trưởng kinh tế ngày một lớn, thậm chí nhiều nền kinh tế hàng đầu như Mỹ được dự báo sớm rơi vào trạng thái suy thoái kinh tế khi Fed tăng mạnh lãi suất.
Giá vàng thế giới: Giá vàng thế giới rạng sáng ngày 21/9 (theo giờ Việt Nam) tiếp tục giảm với giá vàng giao ngay giảm 11,6 USD xuống còn 1.664,7 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 10 giao dịch lần cuối ở mức 1.663 USD/ ounce, giảm 6 USD/ ounce so với rạng sáng ngày trước đó.
Trong nước
Chứng khoán Việt Nam: Chốt phiên ngày 21/9, VN-Index giảm 8,38 điểm (-0,69%), xuống 1.210,55 điểm với 138 mã tăng (nhiều hơn so với con số 89 của phiên sáng), trong khi có 305 mã giảm, ít hơn 16 mã so với phiên sáng. Tổng khối lượng giao dịch chỉ 389,4 triệu đơn vị, giá trị 9.678,1 tỷ đồng, giảm 17,8% về khối lượng và 13,3% về giá trị so với phiên hôm qua, cũng là mức thanh khoản thấp nhất trong gần 2 năm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 66,2 triệu đơn vị, giá trị 2.251 tỷ đồng. Các mã trong VN30, ngoài VNM duy trì sắc xanh, thậm chí nới rộng đà tăng khi đóng cửa ở mức 76.900 đồng, tăng 1,5%, khớp gần 2,5 triệu đơn vị, còn có BVH và SAB đảo chiều thành công với mức tăng 1,3% lên 55.100 đồng và 0,3% lên 188.000 đồng. Trong khi đó, dù không giữ được sắc xanh, nhưng NVL cũng đóng cửa ở tham chiếu 84.600 đồng, khớp 2,33 triệu đơn vị; Trong tuần trước, đây là mã bluechip tăng giá hiếm hoi. Ở chiều ngược lại, KDH vẫn là mã giảm mạnh nhất khi nới đà giảm thành 5,8% xuống 111.100 đồng, khớp gần 1,7 triệu đơn vị. Tiếp theo là MWG giảm 2,4% xuống 70.000 đồng, mức thấp nhất ngày sau thông tin trên báo chí về nguồn gốc hàng hóa tại chuỗi Bách Hóa Xanh; thanh khoản đạt 3,1 triệu đơn vị.
Tỷ giá USD: Tỷ giá trung tâm hôm nay (21/9) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ nguyên ở mức 23.301 VND/USD so với mức niêm yết hôm qua. Áp dụng biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.602 - 24.000 VND/USD. Tỷ giá mua bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được duy trì ở mức 22.550 - 23.700 VND/USD. Trên thị trường "chợ đen", khảo sát lúc 9h30 sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 24.060 - 24.130 VND/USD, giá mua không đổi còn giá bán tăng 20 đồng so với mức ghi nhận giờ này hôm qua.
Giá vàng trong nước: Chiều ngày 21/9, giá vàng niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn chiều mua vào là 65,95 triệu đồng/lượng, bán ra là 66,75 triệu đồng/lượng, giá mua và giá bán tăng nhẹ so với mức cuối giờ chiều hôm qua.
Giá xăng dầu trong nước: Từ 15h chiều 21/9/2022, Liên bộ Công Thương - Tài chính thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Trong kỳ này, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm. Trong giá dầu được điều chỉnh giảm rất mạnh. Cụ thể, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 về 21.780 đồng/lít (giảm 450 đồng), xăng RON 95-III là 22.580 đồng/lít (giảm 650 đồng). Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Cụ thể, dầu diesel về mức 22.530 đồng một lít (giảm 1.650 đồng). Dầu hỏa có mức giá mới là 22.440 đồng, giảm 1.970 đồng, dầu mazut có giá 14.650 đồng/kg, giảm 380 đồng.
Doanh nghiệp
Đường sắt: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nửa đầu năm lỗ 30 tỷ đồng và dự kiến cả năm lỗ 570 tỷ đồng, nối mạch kinh doanh ảm đạm 3 năm liền. Báo cáo tài chính của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (công ty mẹ) ghi nhận doanh thu nửa đầu năm tăng trưởng 36% so với cùng kỳ, đạt gần 1.050 tỷ đồng. Các chỉ tiêu khác như chi phí quản lý doanh nghiệp, lãi vay, cổ tức đều cải thiện đáng kể so với cùng kỳ nhưng công ty vẫn lỗ sau thuế khoảng 30 tỷ đồng. Giai đoạn này năm ngoái, khoản lỗ lên đến 100 tỷ đồng. Việc thua lỗ không nằm ngoài dự kiến của ban lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Theo kế hoạch công bố đầu năm, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 1.622 tỷ đồng và lỗ sau thuế 570 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp công ty kinh doanh dưới giá vốn, chủ yếu vì sản lượng hành khách giảm mạnh bởi dịch bệnh. Hai năm trước, công ty lần lượt lỗ sau thuế 1.327 tỷ đồng và 565 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có tài sản hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty đang nợ gần 2.230 tỷ đồng và khoản lỗ chưa phân phối hơn 1.850 tỷ đồng.
Viettel: Brand Finance, công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, kết hợp với đơn vị tư vấn thương hiệu - CTCP Mibrand Việt Nam chính thức công bố bảng danh sách Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022. Theo công bố, Viettel, được định giá 8,8 tỷ USD (tăng 44,5% so với năm ngoái), tiếp tục trở thành thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm thứ bảy liên tiếp. Viettel được định giá thương hiệu gấp 3 lần VNPT (2,86 tỷ USD) và Vinamilk (2,8 tỷ USD), là hai thương hiệu lần lượt đứng thứ hai và thứ ba trên bảng xếp hạng. Brand Finance cho biết doanh thu của Viettel đã tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021, trong khi thương hiệu này luôn chú trọng đến tính bền vững môi trường và đa dạng sinh học đô thị. VNPT (Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam) có tốc độ tăng trưởng chậm hơn một chút, tăng 4,2%, đạt 2,86 tỷ USD, giữ nguyên vị trí thứ hai trong top thương hiệu giá trị nhất. Thương hiệu Vinamilk trị giá 2,8 tỷ USD, xếp thứ ba. Giá trị top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đã tăng lên 36%. Top 10 thương hiệu đứng đầu đã đóng góp 67% (24,4 tỷ USD) giá trị của bảng xếp hạng.