Quốc tế
Chứng khoán Mỹ: Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (22/9), đánh dấu phiên trượt dốc thứ ba liên tiếp trong bối cảnh nhà đầu tư phản ứng với động thái tăng lãi suất mạnh tay mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,8%, còn 3.757,99 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 107,1 điểm, tương đương giảm 0,3%, còn 30.076,68 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,4%, còn 11.066,81 điểm. Cổ phiếu tăng trưởng, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ, tiếp tục là nhóm bị bán nhiều nhất trong phiên này. Đây là những cổ phiếu chịu áp lực giảm lớn hơn cả trong một môi trường lãi suất tăng như hiện nay.
Chỉ số USD: Đầu phiên giao dịch ngày 23/9 (theo giờ Việt Nam), trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm nhẹ 0,2%, xuống mốc 111,26. Đồng USD đã hạ nhiệt sau khi tăng lên mức cao nhất trong hai thập kỷ, trong bối cảnh một loạt các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất, một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản tiếp theo.
Giá dầu thô thế giới: Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 23/9 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 83,41 USD/thùng, giảm 0,08 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 22/9, giá dầu WTI giao tháng 11/2022 đã tăng 0,59 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 90,43 USD/thùng, giảm 0,03 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 0,88 USD so với cùng thời điểm ngày 22/9. Giá dầu ngày 23/9 có xu hướng tăng trở lại trong bối cảnh thị trường lại dấy lên lo ngại về tình trạng thắt chặt, thậm chí thiếu hụt nguồn cung khi mùa đông đến gần.
Giá vàng thế giới: Giá vàng thế giới rạng sáng ngày 23/9 (theo giờ Việt Nam) gần như không đổi so với rạng sáng ngày trước đó với giá vàng giao ngay giảm 0,1 USD xuống còn 1.671,1 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 10 giao dịch lần cuối ở mức 1.669 USD/ounce, giảm 2,4 USD/ounce.
Trong nước
Chứng khoán Việt Nam: Chốt phiên ngày 23/9, VN-Index giảm 11,42 điểm (-0,94%) xuống 1.203,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 485,4 triệu đơn vị, giá trị 11.293 tỷ đồng, tăng 2,5% về khối lượng nhưng giảm 3,2% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 42,17 triệu đơn vị, giá trị 1.353,56 tỷ đồng. Nhóm VN30 vẫn đóng vai trò là gánh nặng chính của thị trường khi giảm hơn 13,5 điểm, với việc ghi nhận 27 mã giảm và chỉ còn 2 mã tăng, 1 mã đứng giá tham chiếu là SAB. Ở bộ đôi đi ngược thị trường, cổ phiếu bảo hiểm BVH vẫn duy trì mức tăng tốt khi kết phiên tăng 5,8% lên mức 58.400 đồng/CP và khớp lệnh hơn 4,4 triệu đơn vị; còn GAS tăng 1,4% lên 112.500 đồng/CP. Bên cạnh BVH, các cổ phiếu khác trong nhóm bảo hiểm cũng bảo toàn đà tăng mạnh. Cụ thể, BMI và MIG vẫn tăng trần cùng lượng dư mua trần 0,3-0,4 triệu đơn vị; BIC tăng 4,1%, PGI tăng 2,8%, PVI tăng 3,46%...Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ MSB và OCB tăng nhẹ, còn lại vẫn chìm trong sắc đỏ. Trong đó, cổ phiếu lớn VCB giảm sâu nhất khi để mất 2,7%; các mã khác như BID, CTG, TCB, VPB, SHB, MBB… giảm hơn 1%.Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn cùng nhịp đập thị trường với hàng loạt mã tìm về vùng giá thấp nhất phiên, như HCM giảm 2,57%, SSI giảm 2,13%, VCI giảm 3,26%, VND giảm 2,37%, VIX giảm 3,1%... Trong đó, VND và SSI vẫn là điểm sáng giao dịch của ngành khi giữ vị trí top 5 thanh khoản thị trường, lần lượt đạt 15,95 triệu đơn vị và 10,76 triệu đơn vị. Ở nhóm bất động sản, nhiều mã như DXG, VCG, LCG, HHV, FCN đều đảo chiều giảm. Trong khi các mã lớn như VHM, VIC, NVL vẫn trong trạng thái điều chỉnh nhẹ.
Tỷ giá USD: Sáng ngày 23/9, tỷ giá trung tâm USD/VND tại Ngân hàng Nhà nước được niêm yết ở mức 23.316 đồng/USD tăng 15 đồng/USD so với phiên giao dịch trước. Tỷ giá tham khảo đô la Mỹ tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ ở mức 23.700 đồng (bán ra). Tỷ giá USD trong các Ngân hàng thương mại hôm nay tiếp tục được điều chỉnh theo chiều tăng giá.
Giá vàng trong nước: Chiều ngày 23/9, giá vàng niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn chiều mua vào là 65,8 triệu đồng/lượng, bán ra là 66,6 triệu đồng/lượng, giá mua và giá bán không đổi so với mức cuối giờ chiều hôm qua.
Doanh nghiệp
VIC: Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa ký Quyết định số 90/QĐ-KKT ngày 21/9/2022 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Dự án Nhà máy sản xuất Pin Lithium do Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng VINES (thuộc Tập đoàn Vingroup) làm chủ đầu tư. Theo đó, Dự án Nhà máy sản xuất Pin Lithium sẽ được thực hiện trên diện tích dự kiến hơn 14 ha thuộc Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Trung tâm lô CN4, CN5, Khu kinh tế Vũng Áng. Tổng mức đầu tư cho Dự án hơn 6.329 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn của chủ đầu tư là 2.405 tỷ đồng (tỷ lệ góp vốn 38%), nguồn vốn huy động 3.924 tỷ đồng (chiếm 62%). Công suất thiết kế của nhà máy là 5GWh/năm, tương đương khoảng 30.000.000 cell pin sạc LFP (năng lượng: 166,4 Wh/cell pin) mỗi năm; sản phẩm, dịch vụ cung cấp là cell pin sạc LFP (Lithium Iron Phosphate) sử dụng chủ yếu cho pin xe ô tô điện và hệ thống lưu trữ điện năng (ESS). Dự kiến đến quý IV/2023, nhà máy sẽ hoàn thành phần xây dựng; đến quý I/2024 hoàn thành việc lắp đặt máy móc, dây chuyền sản xuất và bắt đầu vận hành hoạt động; đến quý III/2024 bước vào giai đoạn sản xuất đại trà. Trước đó vào tháng 12/2021 Tập đoàn Vingroup đã khởi công Nhà máy Sản xuất Pin VinES thứ nhất tại Khu kinh tế Vũng Áng với quy mô giai đoạn 1 là 8ha, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Đến tháng 9/2022 sau hơn nửa năm thi công, dự án đã cơ bản hoàn thành xây lắp. Ngoài ra, theo kế hoạch từ Tập đoàn Vingroup, đến quý IV/2022, tập đoàn sẽ khởi công 4 dự án nằm trong tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô và cảng biển kết hợp logistic, du lịch nghỉ dưỡng tại Khu kinh tế Vũng Áng thuộc TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư lên đến 302.500 tỷ đồng.
Sản xuất điện gió: Theo văn bản số 1663/QĐ-UBND, tỉnh Lâm Đồng đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà máy điện gió Xuân Trường 1 và Xuân Trường 2. Địa điểm thực hiện 2 dự án điện gió này nằm tại xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt. Cụ thể, dự án nhà máy điện gió Xuân Trường 1 do Công ty Cổ phần Năng lượng gió Xuân Trường làm chủ đầu tư; tổng diện đất sử dụng 32,5ha (trong đó diện tích đất tạm thời là 15ha); tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.212 tỷ đồng. Dự án nhà máy điện gió Xuân Trường 2 do Công ty Cổ phần Năng lượng gió Cao Nguyên làm chủ đầu tư; tổng diện tích đất dự kiến sử dụng là 31,2ha (diện tích đất tạm thời là 14,4ha); dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.186 tỷ đồng. Theo quyết định, dự án nhà máy điện gió Xuân Trường 1 có công suất 50MW; quy mô xây dựng 12 tuabin gió gồm 10 tuabin (công suất 4,2 MW) và 2 tuabin (công suất 4 MW); điện lượng bình quân 180 GWh/năm. Dự án nhà máy điện gió Xuân Trường 2 có công suất 48 MW với quy mô 12 tuabin gió công suất 4 MW; điện lượng bình quân 170 GWh/năm. Thời gian hoạt động 2 dự án trên đều trong vòng 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư; thời gian thực hiện hiệu chỉnh tuabin, thử nghiệm, nghiệm thu và vận hành của dự án là từ quý 1/2025 đến quý 2/2025.