Quốc tế
Chứng khoán Mỹ: Chốt phiên cuối tuần ngày 23/9 trên thị trường Phố Wall, cả 3 chỉ số chính tiếp tục xu hướng lao dốc của các phiên giao dịch trước đó khi chỉ số Dow Jones giảm 1,6% xuống còn 29.590,41 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 1,7% xuống 3.693,23 điểm và chỉ số Nasdaq giảm mạnh nhất 1,8% xuống 10.867,93 điểm. Tính trong cả tuần, các chỉ số này lần lượt để mất 4%, 4,6% và 5,1% giá trị. Hiện chỉ số Dow Jones đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, trong khi chỉ số S&P 500 tiệm cận mức đáy thiết lập hôm 17/6 vừa qua.
Chỉ số USD: Phiên giao dịch chốt tuần vừa qua, trên thị trường quốc tế, chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt đứng ở mức 113,02, tăng 2,97%. Đồng USD đã chốt phiên tuần ở mức tăng mạnh 1,67%. Đặc biệt, trong tuần qua, đồng bạc xanh đã bật tăng mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.
Giá dầu thô thế giới: Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 26/9/2022 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 79,44 USD/thùng, tăng 0,70 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 86,78 USD/thùng, tăng 0,63 USD/thùng trong phiên. Giá dầu ngày 26/9 bật tăng mạnh khi thị trường lo ngại tình hình leo thang căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine có thể dẫn tới các quyết định cắt, giảm nguồn cung năng lượng từ Nga.
Giá vàng thế giới: Giá vàng thế giới rạng sáng ngày 26/9 (theo giờ Việt Nam) có xu hướng giảm sau khi đứng yên trong ngày nghỉ cuối tuần với giá vàng giao ngay giảm 0,3 USD xuống còn 1.644,1 USD/ounce. Tuần trước, giá vàng giao dịch gần mức thấp nhất trong 2,5 năm sau khi quyết định tăng lãi suất tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy đồng USD và lợi tức kho bạc cao hơn.
Trong nước
Chứng khoán Việt Nam: Thị trường chứng khoán hôm nay (26/9) có phiên giảm mạnh sau khi đã giảm liền 4 tuần liên tiếp. Áp lực bán diễn ra trên diện rộng, khiến sắc đỏ lấn át hoàn toàn và các chỉ số đều giảm mạnh. Lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm -28,93 điểm (-2,4%) còn 1.174,35 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên bán, toàn thị trường chỉ có 35 mã tăng, 329 mã giảm và 31 mã đứng giá. Chỉ số VN30 cũng giảm mạnh -28,19 điểm (-2,32%) xuống 1.187,22 điểm. Ở rổ VN30 chỉ có 2 mã tăng trong khi có tới 27 mã giảm và 1 mã đứng giá. Nhóm midcap và smallcap cũng không ngoại lệ giảm lần lượt -3,77% và -3,68%. Trên sàn Hà Nội, các chỉ số chính cũng không ngoại lệ. Theo đó, chỉ số HNX-Index giảm -8,76 điểm (-3,31%) xuống 255,68 điểm. Toàn sàn HNX có 41 mã tăng, 164 mã giảm và 32 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm -1,91 điểm (-2,16%) xuống 86,68 điểm. Thanh khoản thị trường chứng khoán hôm nay tăng vọt nhờ dòng tiền bắt đáy mạnh mạnh vào cuối phiên. Tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường đạt 18.325 tỷ đồng, tăng 57,7% so với phiên trước. Trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HOSE tăng 61% và đạt 15.976 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức bình quân 10.407 tỷ đồng của tuần trước. Tổng cộng trên HOSE có 702 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 528 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó. Khối ngoại bán ròng 557 tỷ đồng trên sàn HOSE. Lực bán của khối ngoại tập trung ở các cổ phiếu như: NLG, KDH, SSI, VNM, CTG, … Ở chiều ngược lại, HPG, STB, BCM, E1VFVN30, VCB, … là những cổ phiếu/chứng chỉ quỹ được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên này.
Tỷ giá USD: Tỷ giá trung tâm hôm nay (26/9) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.334 VND/USD, tăng 10 đồng so với mức niêm yết cuối tuần qua. Áp dụng biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.634 - 24.034 VND/USD. Tỷ giá mua bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được duy trì ở mức 22.550 - 23.700 VND/USD. Trên thị trường "chợ đen", khảo sát lúc 9h sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 24.170 - 24.270 VND/USD, giá mua tăng 110 đồng còn giá bán tăng 140 đồng so với mức ghi nhận cuối tuần trước.
Giá vàng trong nước: Chiều ngày 26/9, giá vàng niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn chiều mua vào là 65,6 triệu đồng/lượng, bán ra là 66,4 triệu đồng/lượng, giá mua và giá bán đều giảm 0,2 triệu đồng/lượng so với mức cuối giờ chiều hôm qua.
Doanh nghiệp
FDI: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, tính đến ngày 20/9/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt hơn 18,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2021. Về đăng ký đầu tư mới, trong 9 tháng có 1.355 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký mới, với tổng vốn 7,12 tỷ USD, tăng 11,8% về số dự án so với cùng kỳ, nhưng lại giảm 43% về số vốn. Tuy vậy, điểm tích cực là số dự án đầu tư mới đang tăng lên theo từng tháng kể từ đầu năm. Cụ thể, số dự án đầu tư mới trong tháng 9/2022 tăng 6,8% so với tháng 8 và 46,2% so với tháng 7/2022. Đồng thời, vốn điều chỉnh và vốn góp, mua cổ phần vẫn tăng, với 769 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư trong 9 tháng, tổng vốn 8,3 tỷ USD, tăng 13,4% về số lượt dự án và tăng 29,9% về số vốn; 2.697 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với 3,28 tỷ USD, giảm 4,7% về số lượt, nhưng tăng 1,9% về số vốn. Đáng chý ý, trong 9 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt mức tăng cao nhất từ đầu năm, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 5,7 điểm phần trăm so với 8 tháng, đạt 15,4 tỷ USD. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, điều này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Chính vì vậy, họ đã không ngần ngại đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam.
Xuất khẩu cá tra: Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra 8 tháng đầu năm nay đã chạm mốc 1,8 tỷ USD – một con số lạc quan cho các doanh nghiệp ngành hàng này. Xuất khẩu cá tra trong 3 tháng gần đây đã tụt dần khỏi mức đỉnh 310 triệu USD hồi tháng 4/2022, nhưng đã có xu hướng hồi phục trở lại từ tháng 8/2022. Riêng trong tháng 8/2022, xuất khẩu cá tra đạt 195 triệu USD, tăng nhẹ so với tháng 7/2022 và tăng 123% so với cùng kỳ năm 2021. VASEP nhận xét mức tăng trưởng cùng kỳ này không phản ánh xu hướng quá khả quan vì tháng 8/2021 là thời điểm đỉnh dịch, xuất khẩu bị giảm sâu. Trong tháng 8/2022, xuất khẩu cá tra sang nhiều thị trường có tín hiệu tích cực, với xu hướng cao hơn so với tháng 7/2022. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc cao hơn 37% so với tháng trước, đạt gần 61 triệu USD, cao gần gấp đôi so với doanh số sang thị trường Mỹ. Đồng thời, các thị trường như Brazil, Thái Lan, Colombia, Nhật Bản, Malaysia đều có xu hướng tăng nhập khẩu cá tra trong tháng 8. Về giá xuất khẩu cá tra, nhìn chung, giá trung bình xuất khẩu cá tra sang các thị trường trong 8 tháng đầu năm 2022 đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trung bình xuất khẩu cá tra đông lạnh sang Mỹ đạt 4,64 USD/kg, sang Trung Quốc đạt 2,47 USD, Mexico 2,75 USD, sang Thái Lan đạt 2,15 USD và sang Brazil đạt 3,20 USD/kg. Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất gồm CTCP Vĩnh Hoàn (MCK: VHC), Công ty Biển Đông Seafood, CTCP Nam Việt (MCK: ANV), IDI Corp (MCK: IDI) và Công ty TNHH Chế biến thủy sản Vạn Đức, Tiền Giang, với tổng doanh số chiếm 37% tổng giá trị xuất khẩu cá tra 8 tháng đầu năm nay. Với kết quả hiện nay và xu hướng hồi phục nhẹ trong vài tháng tới, VASEP đưa ra nhận định kim ngạch cá tra năm 2022 có thể ghi nhận mốc kỷ lục 2,5 đến 2,6 tỷ USD, cao hơn 56% so với năm 2021.