Quốc tế
Thị trường chứng khoán: Chứng khoán Mỹ giảm vào thứ Sáu (24/02), đây là mức giảm hàng tuần lớn nhất trong năm 2023, do dữ liệu tiêu dùng mạnh mẽ hơn nữa đã khiến các nhà đầu tư đối mặt với khả năng tăng lãi suất quyết liệt hơn từ Fed để chống lại lạm phát. Trong phiên giao dịch ngày 24/02 chỉ số Dow Jones giảm gần 500 điểm (tương đương 1.43%), S&P 500 hạ 1.6% và Nasdaq Composite sụt 2%.
Thị trường hàng hóa: Giá xăng dầu thế giới hôm nay 27/2/2023 tiếp đà đi lên bởi áp lực lo ngại thiếu hụt nguồn cung gia tăng. Trong phiên giao dịch ngày 27/02 dầu Brent tăng 1,16% lên 83,16 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI tăng 1,23% lên 76,32 USD/thùng.
Giá vàng chững lại vào thứ Hai, quanh mức thấp nhất trong hai tháng trong bối cảnh lo ngại về lạm phát cao của Mỹ và phản ứng thắt chạt từ Cục Dự trữ Liên bang, trong khi giá các kim loại khác giữ ở mức hẹp. Trong phiên sáng 27/02 hợp đồng vàng giao ngay không đổi ở mức 1.811,37 USD/ounce.
Thị trường tiền tệ: Hầu hết các loại tiền tệ châu Á đã giảm vào thứ Hai, trong khi đồng đô la giữ gần mức cao nhất trong hai tháng sau khi dữ liệu lạm phát của Hoa Kỳ nóng hơn dự kiến khiến thị trường định giá Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất nhiều hơn trong năm nay. Đồng đô la ổn định vào thứ Hai, với chỉ số đô la ở mức cao nhất trong hai tháng.
Trong nước
Chứng khoán Việt Nam: Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 18.31 điểm (-1.76%), xuống còn 1,021.25 điểm; HNX-Index giảm 4.06 điểm (-1.96%), xuống còn 203.27 điểm. Độ rộng toàn thị trường vẫn có xu hướng nghiêng về bên bán với 588 mã giảm và 192 mã tăng. Sắc đỏ cũng áp đảo trong rổ VN30 với 27 mã giảm, 2 mã tăng và 1 mã tham chiếu. Thanh khoản ghi nhận ở mức trung bình, khối lượng giao dịch của VN-Index đạt hơn 588 triệu đơn vị, với giá trị 9.3 ngàn tỷ đồng; HNX-Index đạt 69.6 triệu đơn vị, với giá trị 1 ngàn tỷ đồng. Về giao dịch của khối ngoại, khối này tiếp tục gia tăng giá trị bán ròng. Cụ thể, khối ngoại bán ròng 658 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Thị trường tiền tệ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở 23.642 đồng, không đổi so với phiên trước. Giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN được niêm yết ở mức 24.780 VND/USD, không đổi so với phiên trước, trong khi giá mua vẫn được niêm yết ở 23.450 VND/USD. Trong khi đó, giá mua - bán bạc xanh tại một số ngân hàng được điều chỉnh tăng so với cuối phiên trước. Tỷ giá VND/USD của VCB niêm yết ở mức 23,650 mua vào và 23,990 bán ra.
Lãi suất huy động các ngân hàng đang đồng loạt giảm khá mạnh khoảng 1-2%/năm so với giai đoạn cao điểm cuối năm 2022. Mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 8% đến dưới 9,5% đang phổ biến ở các ngân hàng.
Tiêu điểm kinh tế trong nước:
Cập nhật chính sách tiền tệ: Trên thị trường mở tuần qua, theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng hơn 38.100 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Động thái hút ròng và đẩy lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, theo các chuyên gia phân tích, là dụng ý của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo sự hấp dẫn của VND với USD trước thềm Fed tăng lãi suất tháng 3 tới. Mặc dù lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh song lãi suất trên thị trường 1 (thị trường dân cư) lại có dấu hiệu hạ nhiệt. Ở chiều huy động, tại hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần, mức lãi suất niêm yết cao nhất mà các ngân hàng dành cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng là 9,5%/năm. Bốn ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng thấp nhất ở mức 7,4%/năm đối với hình thức gửi tiền tại quầy và trên 8% đối với hình thức gửi tiền online. Lãi suất cho vay cũng đang giảm đáng kể từ nửa cuối tháng 2/2023. Nhiều ngân hàng áp dụng mức giảm 1-2% so với mức công bố trước đó. Trong các đợt giảm lãi suất cho vay thời gian qua, các ngân hàng thương mại nhà nước luôn đi đầu. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính, dù vẫn còn nhiều áp lực, song mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ tạo đỉnh trong nửa đầu năm 2023 rồi dần “giảm nhiệt”, qua đó giảm áp lực lên lãi suất cho vay. Tuy vậy, trong bối cảnh lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới có khả năng tiếp tục tăng, mức hạ lãi suất trong nước thời gian tới có thể chưa đạt như kỳ vọng của doanh nghiệp. Các ngân hàng muốn hạ lãi suất phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thanh khoản, lạm phát.