Tin tức

Tin tức

TIN NHANH TÀI CHÍNH 29/03/2023

30/03/2023

Quốc tế

Chứng khoán Mỹ: Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (28/3), khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng lên vì nhà đầu tư lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên mức cao hơn trong thời gian lâu hơn. Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 37,83 điểm, tương đương giảm 0,12%, còn 32.394,25 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,16%, còn 3.971,27 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,45%, còn 11.716,08 điểm. Trước đó, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong phiên ngày thứ Hai, khi nhà đầu tư vững tâm hơn nhờ việc không có dấu hiệu bất ổn nào mới từ hệ thống ngân hàng.

Chỉ số USD: Đầu phiên giao dịch ngày 29/3 (theo giờ Việt Nam), trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,43%, xuống mốc 102,43. Đồng USD đã giảm phiên thứ hai liên tiếp khi những lo ngại về khủng hoảng ngân hàng giảm bớt, góp phần thúc đẩy “khẩu vị” rủi ro của các nhà đầu tư đối với các loại tiền tệ rủi ro hơn.

Giá dầu thô thế giới: Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 29/3 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2023 đứng ở mức 73,76 USD/thùng, tăng 0,56 USD trong phiên. Trong khi giá dầu Brent giao tháng 6/2023 đứng ở mức 78,49 USD/thùng, tăng 0,35 USD trong phiên. Giá dầu hôm nay duy trì đà tăng trước lo ngại tình trạng gian đoạn nguồn cung từ khu vực bán tự trị của người Kurk ở Iraq, và kế hoạch cắt giảm sản lượng của Nga, OPEC+ sẽ tạo sự khan hiếm trên thị trường dầu thô.

Giá vàng thế giới: Giá vàng thế giới rạng sáng ngày 29/3 (theo giờ Việt Nam) đảo chiều tăng với vàng giao ngay tăng 18,3 USD lên mức 1.974 USD/ ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.975,3 USD/ ounce, tăng 17,1 USD so với rạng sáng ngày trước đó. Kim loại quý thế giới tăng nhờ được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD.

Trong nước

Chứng khoán Việt Nam: Tâm lý thận trọng trước số liệu vĩ mô quý 1/2023 công bố cùng áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng khiến chỉ số lình xình trong sắc đỏ. Tuy nhiên, sau ATC, VN-Index có một cú “quay xe” đầy bất ngờ khi đảo chiều tăng điểm. Như vậy, VN-Index đã có chuỗi 7 phiên tăng điểm liên tiếp. Kết phiên, VN-Index tăng 2,04 điểm (tương đương 0,19%) để tiến lên mốc 1.056 điểm. Thanh khoản giảm mạnh 26% so với phiên hôm trước khi giá trị giao dịch chỉ đạt 8.300 tỷ đồng trên HOSE. Giao dịch khối ngoại không mấy tích cực khi họ quay xe bán  với tổng giá trị gần 208 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Tỷ giá USD: Tỷ giá trung tâm hôm nay (29/3) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.603 VND/USD, giảm 2 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.423 - 24.783 VND/USD. Tỷ giá mua bán tham khảo được Sở giao dịch NHNN duy trì ở mức 23.450 - 24.780 VND/USD. Trên thị trường "chợ đen", khảo sát lúc 9h30 sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 23.480 - 23.530 VND/USD, giá mua và giá bán không đổi so với mức ghi nhận giờ này sáng qua.

Giá vàng trong nước: Chiều ngày 29/3, giá vàng niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn chiều mua vào là 66,4 triệu đồng/lượng, bán ra là 67,1 triệu đồng/lượng.

Doanh nghiệp

GDP: GDP quý I ước tăng 3,32% so cùng kỳ năm trước, nếu so 12 năm qua, mức này chỉ cao hơn tốc độ tăng của năm 2020 - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Thông tin trên vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4% do một số ngành chủ lực bị ảnh hưởng (công nghiệp chế biến chế tạo giảm 0,37%, khai khoáng giảm 5,6%, sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%) trước chi phí đầu vào tăng cao trong khi lượng đơn đặt hàng vẫn sụt mạnh. Điều này làm giảm 4,76% vào mức tăng trưởng chung. Động lực tăng trưởng hiện nằm ở khu vực dịch vụ khi trong quý vừa qua tăng 6,79%, đóng góp 95,91% vào mức tăng chung. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông lâm thuỷ sản chiếm tỷ trọng 11,66%, công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%, dịch vụ gần 44%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 9,22%. Cơ cấu này tương đồng với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu: Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã bị ảnh hưởng khá nặng nề. Chính vì vậy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng Ba ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%. Tuy nhiên, do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu nên tháng 3/2023, nền kinh tế ước tính xuất siêu 0,65 tỷ USD. Tính chung quý I năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,77 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,84 tỷ USD.

ĐĂNG KÝ EMAIL ĐỂ NHẬN THÔNG TIN KHUYẾN MÃI

go top
Button messenger
Chat ngay