Quốc tế
Chứng khoán Mỹ: Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày cuối tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 139,4 điểm, tương đương giảm 0,45%, còn 30.822,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,72%, còn 3.873,33 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,9%, còn 11.448,4 điểm. Phiên giảm này đưa chứng khoán Mỹ tụt xuống mức đáy của 2 tháng. Cổ phiếu FedEx lao dốc 21,4%, cú giảm mạnh chưa từng thấy trong lịch sử của công ty này với tư cách một doanh nghiệp niêm yết đại chúng, sau khi FedEx rút lại dự báo kết quả kinh doanh cả năm và nói rằng sẽ triển khai các sáng kiến cắt giảm chi phí để ứng phó với tình trạng suy yếu của khối lượng vận tải hàng hoá trên toàn cầu. Lý do được FedEx đưa ra cho động thái này là tình hình nền kinh tế toàn cầu “đã xấu đi nhiều”. Đây là tuần giảm tồi tệ nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ tháng 6 và là tuần giảm thứ 4 trong vòng 5 tuần trở lại đây của cả ba chỉ số. Sự giảm điểm này cho thấy đợt tăng trong mùa hè vừa qua rất có thể chỉ là một sự phục hồi ngắn trong xu hướng thị trường đầu cơ giá xuống (bear market rally). Tính cả tuần này, Dow Jones mất 4,1%; S&P 500 trượt 4,8%; và Nasdaq mất 5,5% điểm số.
Chỉ số USD: Phiên giao dịch chốt tuần vừa qua, trên thị trường quốc tế, chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt đứng ở mức 109,64. Đồng USD đã chốt phiên tuần ở mức giảm nhẹ 0,10%. Tuy nhiên, trong tuần qua, đồng bạc xanh đã lấy lại đà tăng sau một tuần giảm trước đó, với mức tăng 0,59%.
Giá dầu thô thế giới: Lúc 6 giờ ngày 19/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 11 được giao dịch ở mức 91,89 USD/thùng, tăng 0,54 USD, tương đương 0,59%. Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 85,58 USD/thùng, tăng 47 cent, tương đương 0,55%.
Giá vàng thế giới: Giá vàng thế giới rạng sáng nay ngày 19/9 (theo giờ Việt Nam) có xu hướng tăng sau khi đứng yên trong ngày nghỉ cuối tuần với giá vàng giao ngay tăng 2,3 USD lên mức 1.678,2 USD/ounce. Những biến động về giá vàng đã làm rung chuyển thị trường trong tuần trước khi các mức hỗ trợ quan trọng đã bị phá vỡ và giá đã chạm mốc thấp nhất trong vòng hơn 2 năm.
Trong nước
Chứng khoán Việt Nam: Thị trường chứng khoán vừa trải qua thêm một “black Monday” với sắc đỏ bao trùm trên hầu hết các nhóm cổ phiếu. VN-Index đóng cửa ngày 19/9 giảm 28,6 điểm (-2,32%) xuống mức 1.205,43 điểm với giá khớp lệnh đạt gần 14.900 tỷ đồng. Mức giảm này đã đưa Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất Châu Á phiên hôm nay. Cụ thể, hàng loạt cổ phiếu vốn hoá lớn bị bán mạnh trong phiên hôm nay, có tới 27/30 mã giảm điểm trong rổ VN30, trong đó có đến 23 mã giảm sâu dưới 2%; ngược lại, chỉ có FPT và VIC ghi nhận sắc xanh, song mức độ đóng góp cho thị trường không quá đáng kể. Hầu hết các nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán đều chìm trong sắc đỏ, thậm chí IDJ, LDG, KBC, DPG, HDC, CII, FTS, APG, VIX, VCI, BSI... còn giảm sàn với nhiều mã "trắng bên mua". Cổ đông nhóm ngân hàng cũng có một phiên không mấy vui vẻ khi mức tăng trên 2% xuất hiện tại hầu hết các mã, các "ông lớn" như CTG, BID, VCB, MBB, TCB, STB, ACB, VIB,... đồng loạt chìm trong sắc đỏ. Vốn hóa thị trường tương ứng bị “thổi bay” gần 114.000 tỷ đồng (~5 tỷ USD) còn xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng.
Tỷ giá USD: Tỷ giá trung tâm hôm nay (19/9) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.295 VND/USD, tăng 12 đồng so với mức niêm yết cuối tuần trước. Áp dụng biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.596 - 23.994 VND/USD. Tỷ giá mua bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được duy trì ở mức 22.550 - 23.700 VND/USD. Trên thị trường "chợ đen", khảo sát lúc 9h sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 23.980 - 24.030 VND/USD, giá mua và giá bán không đổi so với mức ghi nhận cuối tuần trước.
Giá vàng trong nước: Chiều ngày 19/9, giá vàng niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn chiều mua vào là 65,75 triệu đồng/lượng, bán ra là 66,55 triệu đồng/lượng, giá mua và giá bán giảm nhẹ so với mức cuối giờ chiều hôm qua.
Doanh nghiệp
FPT: Tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT) vừa công bố KQKD 8 tháng đầu năm 2022, ghi nhận doanh thu đạt 27.060 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.951 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, FPT lãi sau thuế 8 tháng 4.221 tỷ đồng, tăng gần 28% so với thực hiện trong cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 3.409 tỷ đồng và 3.117 đồng, tăng 29,6% và 29%. Trong 8 tháng đầu năm, mảng xuất khẩu phần mềm tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ đạt mức doanh thu 11,731 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 28,7%, đóng góp bởi sức tăng đến từ thị trường Mỹ (tăng 42%) và APAC (tăng 61%). Thị trường Nhật Bản có sự phục hồi đáng kể với mức tăng trưởng doanh thu theo đồng Yên đạt 18,7%. Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài tăng mạnh lên mức 15.455 tỷ đồng tương đương mức tăng trưởng 42%. Ngoài ra, trong đợt kỷ niệm 34 năm thành lập (13/09/1988 – 13/09/2022), FPT đã thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt đợt 1 năm 2022 tỷ lệ 10% vào ngày 12/9/2022.
PVS: Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán PVS - sàn HNX) mới công bố nghị quyết về việc trả cổ tức năm 2021. Theo đó, Công ty sẽ trả cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 8% (tương ứng 01 cổ phiếu được nhận 800 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng vào ngày 28/9. Thời gian thanh toán vào ngày 28/10. Như vậy, với 478 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Công ty sẽ chi xấp xỉ 382 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Về tình hình kinh doanh của Công ty, trong nửa đầu năm 2022, PVS ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.579,5 tỷ đồng, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 260,6 tỷ đồng, giảm 22%. Công ty cho biết, biến động này đến từ kết quả kinh doanh của các dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2022 thấp hơn cùng kỳ năm 2021. Năm 2022, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 410 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được, PVS đã hoàn thành lần lượt 75,8% và 63,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Geleximco: Tập đoàn Geleximco dự kiến đầu tư gần 19.000 tỷ đồng, xây nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô tại Thái Bình. Đại diện Geleximco cho biết tập đoàn này đang cùng với đối tác châu Âu khảo sát xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp ôtô. Nhà máy này dự kiến có vốn đầu tư khoảng 800 triệu USD, tương đương gần 19.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối tác, thương hiệu xe được sản xuất, lắp ráp vẫn đang trong quá trình đàm phán. Cuối tuần trước, Chủ tịch HĐQT Geleximco Vũ Văn Tiền đã dự lễ ký thỏa thuận thuê 50 ha đất, hạ tầng tại Khu công nghiệp Tiền Hải, Thái Bình của Tổng công ty Viglacera (VGC) để xây dựng nhà máy này. Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô này dự kiến xây dựng theo hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư 300 triệu USD, dự kiến xây từ quý I/2023 và đưa vào hoạt động từ quý III/2024, với công suất khoảng 50.000 ôtô mỗi năm, sử dụng khoảng 1.200 lao động. Giai đoạn 2 bắt đầu sau năm 2030, Geleximco sẽ mở rộng nhà máy lắp ráp này với quy mô đầu tư thêm 500 triệu USD. Việc mở rộng dự kiến nâng sản lượng lắp ráp lên khoảng 100.000 ôtô mỗi năm, tạo việc làm cho 2.500-3.000 lao động.